Nhiều người nhận xét, khi người Cộng sản khua chiêng gõ trống, cổ động cho một chính sách nào đấy, thì nhân dân hãy “liệu hồn”, tai họa sẽ giáng xuống không sớm thì muộn.
Mỗi lãnh đạo Cộng sản đều muốn để những dấu ấn, lưu danh sử sách. Tuy nhiên, họ bị tư tưởng Cộng sản đầu độc, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa, không có kiến thức về quản trị quốc gia và về kinh tế học. Vì vậy, những chính sách của họ chỉ gây hại cho quốc gia, dù hô hào rất mạnh miệng.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, cũng từng thực hiện chính sách sáp nhập một số bộ ngành, đồng thời, thành lập những tập đoàn kinh tế nhà nước rất lớn. Ông gọi những tập đoàn đó là “những quả đấm thép”. Tuy nhiên, chỉ sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Ba Dũng, “những quả đấm thép” ấy đã khiến nền kinh tế đất nước tan hoang. Hàng loạt dự án thất bại, hàng loại vụ tham nhũng khủng bị phanh phui, thất thoát đối với ngân sách là kinh khủng. Trong đó, đình đám nhất là vụ Vinashin và Vinalines.
Hàn Quốc cũng thực hiện chính sách thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, gọi là Chaebol. Trong đó, những tập đoàn nổi tiếng thế giới, như Hyundai, Samsung vv… là thành quả của chính sách nói trên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn đưa Việt Nam đi theo con đường ấy. Tuy nhiên, dù ôm tham vọng lớn lao, nhưng năng lực khác biệt, nhận thức khác biệt, nên không xuất hiện một phiên bản Chaebol nào tại Việt Nam, mà chỉ có “những quả đấm thép” đấm nát nền kinh tế nước nhà.
Thật ra, điểm khác biệt lớn nhất giữa các Chaebol của Hàn Quốc và các “quả đấm thép” của Việt Nam, đó là, các “quả đấm thép” là tập đoàn nhà nước; còn các Chaebol là các tập đoàn kinh tế tư nhân, nằm dưới sự quản lý của các gia tộc kinh doanh lâu đời. Tức là, các Chaebol được phát triển trên nền chính trị đa đảng và nền kinh tế tự do. Nhà nước chỉ làm các chính sách bảo trợ, tạo thuận lợi cho các Chaebol, chứ không trực tiếp điều hành.
Sự khác biệt này đã được 3 nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 khẳng định, rằng, thể chế quyết định sự giàu có đất nước.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã thất bại. Đến lượt ông Nguyễn Xuân Phúc cũng tiếp tục thất bại với khẩu hiệu “Chính phủ kiến tạo”. Khi ông Phúc làm Thủ tướng, báo chí đã bơm thổi rất nhiều về cái gọi là “Chính phủ kiến tạo” này.
Trên thế giới, chính phủ các nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… được xem là những chính phủ kiến tạo. Ở các nước này, lãnh đạo nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung, hoạt động rất hiệu quả. Họ ban hành những chính sách tốt, thực hiện hiệu quả, và quan trọng là lãnh đạo vừa có năng lực điều hành, vừa có tầm nhìn chiến lược. Nhờ đó, nền kinh tế của các nước này đã bứt phá thành công.
Tuy nhiên, “Chính phủ kiến tạo” của ông Phúc, gồm Thủ tướng và 5 phó thủ tướng, đều là sâu mọt. Tất cả đều dính án tham nhũng, đều bị kỷ luật, chưa kể đến hàng loạt bộ trưởng bị kỷ luật và xộ khám. Với những “trí tuệ” ấy, làm sao họ có đủ trình độ, năng lực, và tâm thức, để kiến tạo? Họ chẳng thể làm gì cho dân cho nước, chỉ biết đưa ra những chính sách mang tính đe dọa đối với người dân, trói buộc nền kinh tế vào bánh xe trì trệ của chủ thuyết Cộng sản.
Giờ đây, ông Tô Lâm lại đao to búa lớn về một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Nhưng chỉ mới bắt đầu áp dụng chính sách đầu tiên, mà cả xã hội đã náo loạn, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khốn đốn, người dân bị biến thành con mồi cho công an ở mọi lúc mọi nơi.
Ông Ba Dũng đã thất bại với “quả đấm thép”, ông Bảy Phúc đã thất bại với “Chính phủ kiến tạo”, nay, ông Tô Lâm làm tan nát xã hội với “kỷ nguyên vươn mình”. Không cần chờ lâu, kết quả đã nhãn tiền trước mắt.
Hoàng Phúc – Thoibao.de