Ngày 20/1, ông Tô Lâm đã tổ chức lễ trao tặng Huân chương Sao vàng, cho ông Nguyễn Tấn Dũng – cựu Thủ tướng, và ông Nông Đức Mạnh – cựu Tổng Bí thư. Đây là huân chương “cao quý” nhất của Đảng, dành cho các lãnh đạo của họ. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng được trao huân chương này trước khi chết.
Ông Trọng được nhiều đảng viên thừa nhận là có cống hiến, vì ông là người chống tham nhũng mạnh tay nhất, so với các đời Tổng Bí thư trước đó. Ông Nông Đức Mạnh thì bị xem là kẻ bất tài, không làm được gì. Thậm chí, khi ông Mạnh còn làm Tổng Bí thư, ông đã để cho quyền lực của Đảng lép vế hơn so với Chính phủ. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng thì “tội trạng rành rành” ra đấy, lẽ ra, ông phải bị xử lý kỷ luật, thì trớ trêu thay, ông lại được nhận huân chương “cao quý”.
Còn nhớ, tháng 1/2011, một số tờ báo đã đăng: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”. Sau đó, cộng đồng mạng phát hiện ra rằng, nội dung của loạt bài trên xuất pháp từ thông tin được đăng tải bởi trang tin vô danh Firmenpresse. Không loại trừ khả năng, trang tin đấy là do lính của ông Nguyễn Tấn Dũng lập nên, được báo chí trong nước thổi lên thành “nhật báo Firmenpresse”. Sau đó, báo chí phải đăng lời xin lỗi độc giả.
Nói thế để thấy, ông Dũng thích được tâng bốc. Mặc dù, những sai phạm của ông rõ như ban ngày, những “quả đất thép” do ông lập nên đã làm tan nát nền kinh tế đất nước. Ấy vậy mà, ông vẫn muốn thể hiện bản thân là “xuất sắc”.
Nếu ông Dũng không làm sai, thì ông Trọng không có cớ để loại ông khỏi vũ đài chính trị, vào năm 2016.
Ông Dũng là “Tứ trụ” về hưu có ảnh hưởng lớn nhất trên chính trường hiện nay. Tuy nhiên, sức mạnh này không phải do uy tín cá nhân của ông tạo ra, mà là do đàn em của ông đang nắm những chiếc ghế quyền lực nhất. Ông Dũng vẫn bị xem là một “đại gian thần”, chứ không phải là “công thần”.
Thời Tần Thủy Hoàng có nhân vật Triệu Cao – một thái giám có ảnh hưởng rất lớn, bị triều thần và người dân khinh ghét. Thế nhưng, với quyền lực khuynh loát triều chính, ông ta chỉ con hươu mà bảo đó là con ngựa, thì tất cả đều phải nói theo, đó là ngựa. Với hành động này, Triệu Cao muốn thể hiện uy quyền của ông trước triều thần, rằng, dù ông bị ghét nhưng tất cả đều phải phục tùng.
Việc ông Tô Lâm trao cho ông Nguyễn Tấn Dũng một huy chương cao quý, cũng mang ý nghĩa như hành động của Triệu Cao mà thôi. Ông Dũng không thể không biết người dân nghĩ gì về ông, và ông cũng biết, toàn đảng xem ông như là “đại gian thần”. Tuy nhiên, ông Tô Lâm bất chấp, vẫn trao cho ông Nguyễn Tấn Dũng huy chương “cao quý” của Đảng, như lời khẳng định rằng, ý Đảng không có ý nghĩa, ý của Ba Dũng mới là tất cả.
Sau thời gian ẩn mình, vì đối thủ của ông Dũng là ông Trọng cầm quyền, khiến ông bị giới “đàn em” có phần xem thường sức mạnh. Có lẽ vì thế, ông Ba Dũng muốn lấy lại hình ảnh, mà ông đã bị mất đi bao nhiêu năm qua, bằng cách kết nối với ông Tô Lâm.
Ông Tô Lâm cần ông Ba Dũng để quy tụ cánh miền Nam về dưới trướng. Ông Ba Dũng thì cần ông Tô Lâm, để xem xét cơ hội cho ông Nguyễn Thanh Nghị. Ngoài ra, ông Dũng được đánh giá là một “cáo già” trên chính trường, từng được xem là đối thủ ngang ngửa với ông Trọng. Vì thế, ngoài những lợi thế chính trị mà 2 bên mang lại cho nhau, ông Tô Lâm còn cần ông Dũng như một quân sư, “nhắc đòn” cho Tô Lâm trên chính trường.
Đã qua rồi thời kỳ “đi nhẹ nói khẽ”, Nguyễn Tấn Dũng đã trở lại, và lợi hại hơn xưa. Ba Dũng tung, Tô Lâm hứng, cứ thế mà tạo thanh thế. Sự kết hợp này rất lợi hại, các đối thủ không thể xem thường.
Hoàng Phúc – Thoibao.de